Tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, đất trong nước
Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025. Đáng chú ý, trong Luật Đất đai hiện hành có phân biệt quyền tiếp cận đất đai giữa 'cá nhân trong nước' với 'người Việt Nam định cư ở nước ngoài'.
Tuy nhiên, ở Luật Đất đai (sửa đổi) khi quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều).
Tôi thấy chính sách này chính đáng. Đồng thời huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nói.
Việt kiều có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đất đai
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.
Cụ thể, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền chung của người sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ cá nhân sử dụng đất; quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất gồm cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được bình đẳng, ngang nhau.
Trong Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở.
Cùng với đó là nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà. Đây là những điểm mới mà luật hiện hành không có. Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang "chảy" mạnh, người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm.
Huy động nguồn lực của Việt kiều đầu tư về Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đánh giá đây là điểm mới, khác biệt so với Luật Đất đai trước đây.
-
Luật Đất đai sửa đổi: Khi nào được miễn giảm tiền sử dụng đất?
-
Luật Đất đai sửa đổi: Giải pháp cần thiết trước mắt
Theo ông Hiếu, việc mở rộng quyền của người sử dụng đất đối với nhóm đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Cụ thể là đối xử với công dân Việt Nam không phân biệt nơi cư trú, nơi sinh sống. "Tôi thấy chính sách này chính đáng. Đồng thời huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội", ông Hiếu nêu rõ.
Còn chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đánh giá trước đây với những người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ không được quyền như người có quốc tịch Việt Nam. Song với quy định mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã tạo điều kiện cho nhóm người Việt kiều đầu tư, mua nhà ở.
Theo ông Hiển, pháp luật hiện hành cho phép Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam. Nhưng điều khó là các thủ tục, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc Việt Nam phức tạp đã khiến Việt kiều nản lòng.
Bên cạnh đó, dù quy định cho phép Việt kiều mua bất động sản tại Việt Nam nhưng nhiều người phải ủy quyền cho người thân làm chủ sở hữu tài sản. Do đó, ông Hiển chỉ rõ việc sửa đổi của Luật Đất đai và trước đó là các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Từ đó giúp thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng đánh giá việc mở rộng này sẽ tránh được bất cập như trước đây khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng. Việc này đã khiến không ít tranh chấp phát sinh do nhờ người đứng tên nhận chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai.
Trước đó, tại Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội với nhiều nội dung mới, trong đó mở rộng chào đón Việt kiều có nhu cầu đầu tư bất động sản tại Việt Nam.
Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (quốc tịch Việt Nam) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước (nghĩa là được kinh doanh bất động sản như công dân trong nước).
Riêng đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam (không mang quốc tịch Việt Nam) chỉ được kinh doanh bất động sản theo các hình thức như luật hiện hành.
Quy định này đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định theo hướng dẫn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)