Hành vi giả mạo giấy tờ, mạo danh người đi công chứng gây hậu quả nặng nề, khiến nhiều tổ chức, cá nhân bị lừa, bị chiếm đoạt hàng tỉ đồng và gây áp lực cho công chứng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của hệ thống công chứng. Tuy vậy, chế tài xử lý đối với đối tượng vi phạm còn nhiều hạn chế.
Một thừa đất bị chuyến nhượng nhiều lần do giấy tờ giả
Thực tế cho thấy, văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ được làm giả rất tinh vi do sử dụng công nghệ cao trong in ấn. Tuy vậy, thời gian để công chứng viên phải xác định một hoặc nhiều tài liệu là thật hay giả để thực hiện việc công chứng cho công dân lại rất ngắn (từ vài phút đến tối đa 2 ngày) nên chẳng khác nào đánh đố.
Hơn nữa, trong trường hợp có nghi ngờ đối với các giấy tờ do Nhà nước cấp (như “Sổ đỏ”, Đăng ký xe hoặc Chứng minh nhân dân), công chứng viên (CCV) cũng không thể khẳng định 100% giấy tờ đó là thật hay giả mà chỉ có cơ quan Giám định mới kết luận được.
“Thông thường, chỉ khi có đủ căn cứ như bắt quả tang đối tượng có dụng cụ, phương tiện in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan Nhà nước hoặc phải có hậu quả thiệt hại thực tế xảy ra, cơ quan tiến hành tố tụng mới xử lý về tội “Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định của BLHS 2015, song điều này không hề đơn giản” – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.
Ngoài ra, khi phát hiện việc giả mạo giấy tờ, mạo danh người khác, về nguyên tắc phải lập biên bản tạm giữ giấy tờ để xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền. Tuy vậy, tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người sử dụng giấy tờ giả hoặc người giả mạo.
Bên cạnh đó, khi lập biên bản, người vi phạm thường từ chối ký biên bản mà tự ý ra về. Do đó, công chứng viên chỉ dừng ở việc trình báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền, đăng tải về thông tin giả mạo trên nhóm dành cho các công chứng viên trên mạng xã hội để các tổ chức hành nghề công chứng khác biết.
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, các VPCC hiện sử dụng chung phần mềm UCHI – phần mềm quản lý hợp đồng công chứng và dữ liệu ngăn chặn, cho phép người dùng tra cứu thông tin toàn bộ dữ liệu ngăn chặn và hợp đồng công chứng đã được đồng bộ lên hệ thống. Tuy vậy, ngoài các VPCC, một số UBND cấp xã tại các huyện ngoại thành cũng làm dịch vụ công chứng nhưng không sử dụng phần mềm này nên không có các thông số về các hợp đồng giao dịch tài sản, bất động sản. Điều này dẫn đến tình trạng 1 thửa đất bị chuyển nhượng tới 2, 3 lần.
CCV Văn phòng Công chứng Phạm Văn Khánh kiểm tra giấy tờ trước khi thực hiện công chứng
CCV sai phạm phải bồi thường, bị xử lý hình sự
“CCV chỉ có thể phân biệt được giấy tờ giả nếu việc làm giả sơ sài, còn với những tài liệu được làm giả tinh vi thì bằng mắt thường khó có thể nhận biết được. Thực tế trong các giao dịch có hai loại giả, đó là chủ thể giả và giấy tờ giả. CCV khi đặt bút ký những giao dịch này đều đối diện với nguy cơ phải bồi thường thiệt hại” – Luật sư Hồng Vân nhận định.
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, “công chứng” là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. CCV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.
Về vấn đề bồi thường trong hoạt động công chứng, Điều 38 Luật Công chứng 2014 quy định, tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Sau đó, công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng. Trường hợp có căn cứ cho rằng, CCV biết giấy tờ giả mà vẫn công chứng thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà CCV này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS 2015 sửa đổi.
Về phía người yêu cầu công chứng, Điều 7 Luật Công chứng 2014 nghiêm cấm cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng.
Theo đó, người vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền tới 10 triệu đồng nếu có hành vi làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch. Tuy vậy, mức phạt này còn quá thấp so với giá trị tài sản giao dịch nên những kẻ lừa đảo thường chấp nhận việc nộp phạt.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, CCV cần nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng khi ký vào văn bản công chứng. Ngoài việc kiểm tra các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, quan sát thái độ của đương sự… cần áp dụng chặt chẽ một số biện pháp nghiệp vụ như sử dụng máy soi, kính lúp để quan sát kỹ giấy tờ, kiểm tra, xác minh đối chiếu thông tin…Ngoài ra, các VPCC cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong trình báo, tố giác, cung cấp tài liệu, giấy tờ của người vi phạm…
Về phía người dân, để bảo vệ quyền lợi của mình, khi thực hiện các giao dịch mua bán nhà, đất nên tìm hiểu kỹ tính pháp lý lô đất, chỉ thực hiện giao dịch trực tiếp với chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế phối hợp chuyên môn giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý các hợp đồng, văn bản.
Về dấu hiệu nhận biết giữa “Sổ đỏ” thật và “Sổ đỏ giả” (sổ scan từ “Sổ đỏ” thật), theo nhiều CCV, chữ ký trong “Sổ đỏ” scan không có điểm nhấn của nét bút, dấu sờ tay không có gờ lên, dấu chìm thường được in đậm. “Sổ đỏ” thật chữ ký có điểm nhấn của nét bút, dấu đóng trên sổ có gờ của mực, dấu chìm nhẹ và một số chữ mực bị mờ so với các chữ còn lại. |